NGÀNH Y TẾ CHỦ ĐỘNG TRIỂN KHAI CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG DỊCH CÚM A(H7N9)
13.03.2017 00:00
Bệnh cúm A(H7N9)
Bệnh cúm A(H7N9) ở người là bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng, do vi rút cúm A(H7N9) trên gia cầm lây sang người, bệnh tiến triển nhanh và có tỷ lệ tử vong cao. Người bệnh cúm A(H7N9) có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tiến triển nhanh với các triệu chứng sốt, ho, khó thở, viêm phổi nặng và suy hô hấp. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu
Theo Tổ chức y tế Thế giới, dịch cúm A (H7N9) trên người được phát hiện lần đầu tiên tại Trung Quốc vào tháng 4/2013, sau đó một số quốc gia khác cũng phát hiện các ca bệnh là Malaysia và Canada. Tại Trung Quốc, từ năm 2013 đến nay đã có 5 đợt dịch bùng phát với 1.222 trường hợp mắc trong đó có 395 ca tử vong tại 18 tỉnh/thành phố. Đợt dịch thứ 5 từ tháng 10/2016 đến nay với số ca mắc tăng đột biến là 425 trường hợp, bằng 1/3 tổng số ca mắc kể từ năm 2013. Đặc biệt trong thời gian từ 19/01/2017 đến 14/2/2017, Trung Quốc đã phát hiện thêm 304 trường hợp nhiễm cúm A (H7N9), điều đáng quan ngại là đã ghi nhận các ổ dịch trong đó có các tỉnh sát biên giới với Việt Nam như Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam.
Ở nước ta, đến nay chưa ghi nhận trường hợp mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do cúm A(H7N9), tuy nhiên theo nhận định của các nhà chuyên môn nguy cơ dịch có thể xâm nhập vào Việt Nam cũng như có khả năng bùng phát thành dịch tại cộng đồng là rất lớn.
Là tỉnh có đường biên giới giáp một số tỉnh của Trung Quốc, đồng thời có sự giao lưu qua lại, làm việc và thông thương hàng hóa, bên cạnh đó việc vận chuyển lậu gia cầm qua biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Do đó nguy cơ các chủng vi rút cúm gia cầm có thể xâm nhập vào tỉnh ta là rất cao. Thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Y tế và UBND tỉnh về phòng chống dịch cúm lây truyền từ gia cầm sang người, đại diện ngành Y tế Bs Đặng Văn Huynh, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: Hiện ngành đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch “Phòng, chống dịch cúm A(H7N9) trên người tỉnh Hà Giang năm 2017”, đồng thời đã ban hành văn bản và chỉ đạo tất cả các đơn vị trong toàn ngành chủ động phối hợp với cơ quan thú y để phát hiện ổ dịch cúm trên gia cầm từ đó thực hiện tốt các biện pháp phòng chống cúm gia cầm lây sang người. Theo đó, các đơn vị y tế dự phòng (Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố): Tăng cường các biện pháp kiểm dịch y tế tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy và các huyện có cửa khẩu tiểu ngạch; giám sát chặt chẽ đối với người nhập cảnh vào nước ta, đặc biệt những người đi về từ khu vực đang có dịch. Chủ động lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có tiền sử đi về từ vùng dịch; tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp cấp tại cơ sở y tế và cộng đồng, lấy mẫu bệnh phẩm chuyển về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để xét nghiệm phát hiện vi rút gia cầm để cách ly, điều trị và xử lý kịp thời đối với các đối tượng viêm đường hô hấp cấp tính nặng hoặc viêm phổi nặng nghi do vi rút và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm, chết. Đội chống dịch cơ động của các đơn vị luôn sẵn sàng triển khai khi có dịch xảy ra; tổ chức tập huấn về quy trình giám sát phát hiện, kỹ thuật lấy mẫu bệnh phẩm và quy trình xử lý ổ dịch, vận chuyển bệnh nhân, cách ly người bệnh. Chuẩn bị thuốc, hóa chất, trang bị phòng hộ, các dụng cụ lấy mẫu, bảo quản và vận chuyển mẫu bệnh phẩm, phương tiện, kinh phí và nhân lực để sẵn sàng đáp ứng phòng, chống dịch; Tăng cường công tác truyền thông các biện pháp phòng chống cúm gia cầm lây từ gia cầm sang người; Phối hợp chặt chẽ với cơ quan thú y để chia sẻ thông tin về tình hình dịch cúm gia cầm tại địa phương để chủ động triển khai các biện pháp ngăn ngừa lây truyền vi rút cúm từ gia cầm sang người và phối hợp triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Đối với tất cả các Bệnh viện:Tăng cường khám, phát hiện các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính chưa rõ nguyên nhân: chụp X-Quang, lấy mẫu xét nghiệm để chẩn đoán kịp thời các trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nghi nhiễm cúm; Chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, cơ sở vật chất, khu vực cách ly, trang thiết bị y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân,... tổ chức khám, thu dung, cách ly, điều trị bệnh nhân khi có dịch xảy ra.Thông báo kịp thời cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, TTYT huyện các trường hợp nghi ngờ mắc cúm A/H7N9 để tổ chức điều tra ca bệnh, lấy mẫu bệnh phẩm và có biện pháp xử lý ổ dịch kịp thời.
Riêng đối với những trường hợp nhập cảnh vào nước ta, đặc biệt những người đi từ khu vực đang có dịch về, ngành Y tế đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường các biện pháp kiểm dịch y tế (khai báo thông tin sức khỏe, kiểm tra tình trạng sức khỏe tại thời điểm làm thủ tục nhập cảnh) tại Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy và các huyện có cửa khẩu tiểu ngạch, lối mở; giám sát chặt chẽ người lao động qua lại biên giới, truyền thông kiến thức phòng chống dịch bệnh cúm gia cầm lây sang người và khuyến cáo người dân chủ động theo dõi sức khỏe của mình để phát hiện sớm, đến cơ sở y tế điều trị kịp thời hạn chế các biến chứng, tử vong. Bên cạnh đó, ngành cũng yêu cầu các đơn vị nghiêm túc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm theo quy định.
Các bài đăng mới
Thăm hỏi, trao quà và thuốc cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ tại huyện Mèo Vạc (18.09.2024)
Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc (27.02.2023)
Thi kiểm tra tay nghề chuyên môn cán bộ y tế năm 2022 (06.10.2022)
Ghi nhớ về Mạng xã hội (22.09.2022)
Sôi nổi các hoạt động chào mừng kỷ niệm 77 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9 (26.08.2022)
Các bài đã đăng
Bệnh viện đa khoa huyện Mèo Vạc hướng tới 27/02/2017 (21.02.2017)
Bệnh viện Đa Khoa huyện Mèo Vạc sẵn sàng ứng trực chăm sóc bệnh nhân trong dịp tết (24.01.2017)
Cắt bỏ khối u nặng 10kg trong bụng em bé 12 tuổi (17.10.2016)
Vị Xuyên - Bác sĩ ra chợ xin từ thiện cứu 2 bé song sinh dính liền (15.07.2016)
Đại hội chi hội chữ thập đỏ bệnh viện Y Dược Cổ Truyền lần thứ II nhiệm kỳ 2016-2018 (06.06.2016)
Hội nghị Ban Chấp Hành Đảng ủy Sở Y Tế lần thứ 9 nhiệm kỳ 2015-2020 (06.06.2016)
Hội nghị triển khai kế hoạch phòng, chống tác hại lạm dụng đồ uống có cồn (06.06.2016)